Thong-tin-du-lich

Y Tý một xã vùng cao sát biên giới Việt Nam – Trung Quốc thuộc huyên Bát Xát, tỉnh Lào Cai, từ lâu đã nằm trong tầm ngắm của các tay máy săn ảnh từ trong Nam, ngoài Bắc tìm đến.

Đừng quên theo dõi Blog du lịch để cập nhật nhiều thông tin du lịch hấp dẫn nhé.!

y-ty

Sau một đêm ngủ trên tàu, sáng hôm sau chúng tôi đã có mặt ở TP. Lào Cai. Qua tìm hiểu, chỉ dẫn của cánh xe ôm, chúng tôi quyết định thuê một xe ô tô 5 chỗ để đi Y Tý, chặng đường dài hơn 100km, thời tiết xấu thoắt nắng, thoắt mưa, đồi núi quanh co hiểm trở, nhiều nguy hiểm.

Nhóm chúng tôi 4 người, đều là những tay máy say mê cảnh vật, con người vùng cao Tây Bắc: anh Cao Phong nguyên TBT Tạp chí Nhiếp ảnh Việt Nam, nhiếp ảnh gia Hoàng Luận, nhiếp ảnh gia Hoàng Hải và tôi. Sau nhiều lần hoãn chuyến đi khám phá Y Tý, lần này mặc dù chưa phải đúng dịp đổ nước, xuống đồng của đồng bào dân tộc vùng cao, nhưng cả nhóm vẫn quyết tâm lên đường.

Du lịch khám phá Y Tý

Từ Lào Cai khởi hành lúc 8h sáng. Qua huyện lỵ Bát Xát, xe chúng tôi phải đi với tốc độ rất chậm do đường xấu lại có mưa. Đến bản Vượt, có hai đường rẽ, một đi theo hướng Mường Hum gần hơn 20km, nhưng đường xấu rất khó đi, và một đường men theo con sông Hồng nối với Trung Quốc, được gọi là đường bờ sông. Con đường này mới được xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng gần đây.

Tuy xa hơn 20km nhưng đường mới làm trải nhựa, không phải qua nhiều suối, đèo. Ngồi trên xe ngắm nhìn phong cảnh thật tuyệt vời, một bên là đồi núi trùng điệp, một bên là con sông Hồng nước đỏ cuồn cuộn, quá tầm mắt sang bên kia sông là địa giới Trung Quốc, nhìn thấy rõ cả con đường với các phương tiện di chuyển, nhiều đoạn sông hẹp, chúng tôi còn trông thấy cả các bản làng lúp xúp ven sông, người dân Trung Quốc làm đồng, làm vườn, phơi thóc, phơi ngô, tắm, giặt trên sông…

y-ty-1

Đến Trịnh Tường (cách TP. Lào Cai khoảng hơn 50km), chúng tôi ghé vào một con phố nhỏ với chợ họp trên đường, bắt gặp từng tốp người dân tộc, đa phần là người Hà Nhì trong trang phục mầu đen, đầu quấn khăn đỏ, gùi hàng, cắp lợn đem bán. Xe ô tô khách đi Trịnh Tường ngày có một chuyến từ Lào Cai lên và quay đầu vào buổi chiều, không có xe đi Y Tý.

Ô tô chúng tôi vẫn tăng tốc đều do những đoạn đường này mới trải nhựa, nhiều đoạn qua các đèo, dốc cảm tưởng như đang đi trên đường Mù Cang Chải (Yên Bái), Hoàng Su Phì (Hà Giang). Sở dĩ nói vậy do có nhiều khúc uốn lượn, đổ dốc rất giống nhau, cũng một bên là vách núi, một bên là vực sâu hun hút, thỉnh thoảng lại có những thung lũng với những thửa ruộng bậc thang mới cầy ải, mặt nước soi bóng như những tấm gương nhiều mầu sắc qua ánh nắng mặt trời.

Từ Trịnh Tường, chúng tôi đi qua các địa danh A – Mú – Sung, A Nù, Ngải Thầu rồi đến Y Tý. Ôtô càng đi càng lên cao, điểm cao nhất gần Y Tý khoảng trên 2000m so với mặt biển. Vào giữa buổi trưa một ngày tháng 5 mà mây mù che khuất tầm nhìn, ra ngoài xe phải khoác thêm áo gió vì nhiệt độ thấp, trời lạnh.

phuot-y-ty

Những thửa ruộng bậc thang mới cày ải

Trung tâm xã Y Tý nằm trên trục đường nhựa, có đồn biên phòng sát ngay mặt đường. Ngoài một khu doanh trại biên phòng được xây dựng quy mô bề thế, còn lại là vài nóc nhà cấp 4 nằm thưa thớt ven đường. Có một cửa hàng sửa chữa xe máy, một cửa hàng kinh doanh tạp hóa kiêm bán cơm, phở.

Ngoài hai cửa hàng trên, còn một điểm nằm sau khu đất rộng của một người dân tộc Mông mới được xây dựng theo kiểu nhà sàn bằng gỗ, mái lợp tôn để cho khách thuê ngủ trọ qua đêm. Mang tiếng là nhà nghỉ, thực chất chỉ là một tầng sàn gỗ thấp, rộng chừng vài chục mét vuông, các đệm được trải san sát nhau. Cũng cần nói thêm, ở Y Tý về đêm rất lạnh, nhiệt độ xuống tới 15 – 16oC, vì vậy giữa mùa hè vẫn phải nằm đệm, đắp chăn bông. Nếu khách trọ là phụ nữ, cũng nằm chung một khu nhà sàn liền nhau, chỉ ngăn cách một tấm rèm vải hoa.

Bà Vàng A Si, chủ nhà, còn giới thiệu với chúng tôi: dưới nhà có dịch vụ tắm thùng, nước nóng, có các loại cây, lá thuốc làm khỏe người, dễ ngủ mỗi khi đi đường xa.

Cả nhóm chợp mắt chừng một giờ sau bữa ăn trưa “dã chiến” mang theo với mì sợi gói, thịt bò hộp chan nước sôi. Theo chỉ dẫn của bà chủ nhà, chúng tôi tìm đến một bản người dân tộc Hà Nhì, thôn Hồng Ngải. Vượt qua nhiều đoạn dốc quanh co, đường hẹp, cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến một xóm có người dân sinh sống. Nơi đây có vài chục nóc nhà thưa thớt nằm rải rác trên các sườn đồi.

y-ty-lao-cai

Hầu hết nhà ở đây đều là tường đất trình, mái lợp tôn xi măng, trước kia đều lợp bằng rạ. Đó là đặc trưng của dân tộc Hà Nhì Y Tý. Ông Lý A Voong – trưởng xóm cho chúng tôi biết: những năm trước kia người dân sống khổ lắm, nhà lợp rơm, rạ, tường đắp bằng đất, ngày mưa dột, đường đi lại đất bùn dẻo quánh. Giờ đây nhờ Nhà nước hỗ trợ nên không còn đói nữa, mái nhà được lợp bằng tôn xi măng, đường bản được làm lại, láng xi măng, trải đá sạch sẽ, xe máy đi vào đến nhà, trẻ con có trường học, không phải đi xa vài cây số, rồi ông cười hiền lành mời chúng tôi vào nhà uống nước.

Đi sâu vào trong xóm, chúng tôi tìm được vài nóc nhà còn nguyên sơ, tường trình đất, mái lợp rạ. Hầu hết không có người lớn ở nhà, trên khu đất rộng, một nhóm trẻ đang chơi đùa.

Cũng tại nơi đây, chúng tôi chụp được nhiều bức ảnh đời thường về cuộc sống, con người của một dân tộc vùng cao cực Tây của Tổ quốc. Đời sống của một bộ phận dân tộc người Hà Nhì, nơi mà chúng tôi đặt chân tới, còn lạc hậu, thiếu thốn.

Tạm biệt Y Tý, vùng đất có nhiều cảnh đẹp, có những thửa ruộng bậc thang trải dài trên các sườn núi, có người dân bản địa sinh sống đoàn kết, cần cù trong lao động và giàu lòng mến khách.

Để nhận xét của bạn cho chúng tôi

Có Thể Bạn Quan Tâm

Du lịch Cần Giờ 2 ngày 1 đêm nên đi đâu? Làm những gì?

Cần giờ được biết đến là một trong những điểm du lịch 2 ngày 1 đêm gần Sài Gòn được lựa chọn nhiều nhất cho những ngày nghĩ cuối tuần […]

Du lịch Quy Nhơn – Phú Yên 4 ngày 3 đêm

Bạn đang có ý định đi du lịch Quy Nhơn – Phú Yên nhưng bạn chưa biết gì về hai địa điểm này. Hay nói cách khác đi du lịch […]

Review sương sương du lịch Quy nhơn – Phú Yên 3N2D

Bạn đang tìm một điểm du lịch không quá ồn ào nhưng vẫn mang đến cho bạn những cảm nhận mới mẻ về biển, về thiên nhiên hay con người. […]